Chó con mới đẻ trông thật nhỏ nhắn, đáng yêu giống như những em bé sơ sinh phải không nào. Nhưng lúc này sức đề kháng của cún con còn non nớt, trên cơ thể chỉ mới có lớp lông tơ thưa và mỏng nên nếu không được chăm sóc kỹ lưỡng thì rất dễ bị nhiễm bệnh, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất. Vì thế nếu như bạn đang định nuôi một chú cún con mới lọt lòng mẹ thì cần phải trang bị cho mình rất nhiều kiến thức trong cách chăm sóc chó con mới đẻ đấy nhé.
Nếu bạn đang nuôi một chú cún mới sinh, dù bạn cún còn ở cạnh mẹ hay không thì để chó con phát triển khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật thì việc chăm sóc chúng bạn cần quan tâm đến những vấn đề cơ bản dưới đây.
Cách chăm sóc chó con mới đẻ ở tuần đầu tiên
Những chú cún con mới lọt lòng mẹ cần được chăm sóc rất kỹ lưỡng. Chỉ lơ là một chút là bé cún có thể bị nguy hiểm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong tuần đầu tiên khi chăm sóc chó con mới đẻ bạn cần chú ý đến những vấn đề cơ bản như:
- Không cắt dây rốn trên chó con: Khi bạn tự ý cắt dây rốn, là nơi chứa các mạch máu có thể gây xuất huyết cho chó con. Hãy để yên dây rốn, nó sẽ sớm khô lại, co ngót và rụng đi.
- Không nên đụng đến rốn của cún con mới đẻ: Không phải bôi thuốc chống nhiễm trùng vào rốn và gốc nhau thai. Chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ ổ đẻ để tránh nhiễm trùng.
- Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt cho bé cún. Thông thường, chó con mới sinh có thân nhiệt khoảng 34,5 – 37,2 độ C. Nhiệt độ này sẽ tăng lên 37,8 độ C khi chó được 2 tuần tuổi. Tuy nhiên, tùy vào thời tiết, nhiệt độ ngoài trời và trong phòng có thể khiến chó con bị lạnh hoặc nóng quá mức. Do đó, bạn nên theo dõi thân nhiệt của chó con bằng cách dùng tay sờ cơ thể chúng. Nếu:
- Chó bị lạnh: Khi sờ tay vào sẽ tạo cảm giác mát. Cún con thường không có phản ứng và rất im lặng.
- Chó bị nóng: Thường tai và lưỡi sẽ đỏ lên. Khi sờ tay vào chúng cựa quật bất thường để tránh nguồn nhiệt nóng.
- Trong tuần đầu tiên sau khi đẻ, chó con nên được nằm gần bên cạnh mẹ để gắn kết mối quan hệ mẹ con. Có thể cho bé cún tắm nắng trong vòng 5-7 phút vào buổi sáng sớm. Không nên cho chó con mới đẻ tiếp xúc nhiều ánh nắng mặt trời gay gắt.
- Chân và cơ thể của chó con khi mới đẻ rất yếu ớt, những chú chó nhẹ cân dễ bị anh chị của mình đè bẹp khi tranh giành bú sữa mẹ. Vì thế, bạn nên sắp xếp cho từng chú cún nằm bú ở vị trí phù hợp. Những bạn chó non yếu thì nên cho nằm ở chân phía sau của chó mẹ là an toàn nhất.
Xem thêm: Chó con mấy ngày mở mắt?
Chú ý đến môi trường sống của chó con khi mới đẻ
Sau khi lọt lòng mẹ, cún con bắt đầu chịu sự tác động của nhiệt độ, môi trường, độ ẩm và mọi thứ diễn ra xung quanh chúng. Vì thế, khi chăm sóc chó con mới đẻ, chúng ta cần quan tâm đến điều kiện sống thích hợp cho bé ấy.
Trong quá trình chuẩn bị để chó mẹ hạ sinh cún con, chủ nuôi nên chuẩn bị một chiếc ổ đẻ thật ấm áp, để vị trí không quá sáng, tránh nơi ẩm ướt. Bạn nên lót nhiều giấy báo và một vài chiếc khăn để tạo cảm giác ấm áp, đủ để giữ ấm cho cơ thể của bé cún mới đẻ.
Bên cạnh đó, bạn cần chú ý đến nhiệt độ trong không gian sống của chú chó con mới sinh. Để làm sao vừa giữ ấm cơ thể, nhưng cũng tránh tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh nhé. Thông thường, nhiệt độ an toàn cụ thể như sau:
- 4 ngày đầu tiên sau khi chào đời: 29,5°C – 32°C
- 5 – 10 ngày tiếp theo: Nhiệt độ giảm dần còn khoảng 26°C
- Sau tuần thứ 4: Nhiệt độ giảm dần còn khoảng 22,2°C
Chú ý: Đây là giới hạn nhiệt độ an toàn chứ không phải nhiệt độ bắt buộc phải có của môi trường.
Thường xuyên thay giấy báo, khăn lót trong ổ của chú chó, cũng như vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ nhằm tránh vi khuẩn gây hại cho chú chó con yếu ớt nhé.
Chăm sóc chó sơ sinh dưới 1 tháng tuổi nên cho bé con ăn gì?
Chó con khi mới lọt lòng cũng giống như một đứa bé sơ sinh, sức đề kháng chưa hình thành, đường ruột còn non yếu. Chính vì thế lúc này sữa mẹ chính là nguồn thức ăn chính. Trong sữa của chó mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng, hàm lượng các chất acid amin, vitamin, khoáng chất và protein rất cao giúp cho bé cún dễ dàng hấp thụ, cũng như tạo nên hệ miễn dịch tốt nhất.
Để giúp cún con phát triển ổn định, trong cách chăm sóc về dinh dưỡng bạn cần tuân theo những cột mốc quan trọng sau:
- Chó con mới đẻ trong 15 ngày đầu tiên: Nên được ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng sữa công thức ngoài. Trong trường hợp chó con mất mẹ hoặc chó mẹ không có sữa thì mới dùng đến sữa ngoài. Về việc sử dụng sữa ngoài bạn có thể xem thêm tại: Sữa cho chó con và kiến thức cơ bản về sữa
- Khoảng ngày thứ 16 trở đi: Bạn có thể cho cún con dặm thêm vài thìa canh sữa dê tươi. Cách cho cún con mới đẻ uống sữa bạn cần lưu ý:
- Phải hâm nóng sữa ở nhiệt độ ngang với nhiệt độ cơ thể của chó con.
- Khi mới bắt đầu nên cho bé chó sơ sinh bú bằng núm vú cao su. Về sau rót vào đĩa và dúi mõm chó con vào đĩa sữa để tập cho chó con tự liếm sữa.
- Từ tuần thứ hai tăng lượng sữa lên 200 – 300gam sữa bò tươi/con/ngày. Cho đến lúc chó con được 1 tháng tuổi.
- Từ 20-25 ngày tuổi: Cho chó con ăn thêm cháo gạo nấu với thịt xay hoặc băm nhỏ. Khoảng 20g/con. Ngày cho ăn 1 – 2 bữa. Lúc này bạn có thể bổ sung thêm vào sữa 2 ống Cloruacanxi/con/ngày. Đọc thêm: Cháo cho chó con
- Khi được 30 ngày tuổi trở đi: Cho bé cún ăn 2 bữa/ngày hỗn hợp cháo gạo nấu với thịt băm nhỏ. Khoảng 20 – 50g/con cộng với sữa có trộn 1 – 2 giọt Tetravit hoặc Trivit.
Lưu ý: Khi dùng sữa ngoài cho cún cần chọn đúng loại sữa dành cho chó sơ sinh hay theo từng độ tuổi nhất định.
Xem thêm: Chó con ăn gì và chế độ ăn chuẩn nhất
Thường xuyên theo dõi hệ tiêu hoá của cún con
Chó con mới đẻ có hệ tiêu hoá chưa hoàn chỉnh nên chúng thường gặp phải các vấn đề như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, chướng bụng. Do đó trong quá trình chăm sóc chó con mới đẻ, bạn cần chú ý đến các biểu hiện như: màu phân của chó con, tần suất đi ngoài… để sớm đoán được bệnh.
Chó con sẽ bị đi ngoài nếu bú phải dịch hậu sản, hoặc phân từ bộ phận sinh dục của chó mẹ. Trong phân và dịch hậu sản có nhiều vi khuẩn và chất mà chó con không thể tiêu hóa đươc. Do đó, bạn cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và hậu môn của chó mẹ sau khi sinh.
Đồng thời để giúp chú cún tăng hệ miễn dịch, hạn chế tình trạng rối loạn tiêu hoá bạn. Nên cho chó con mới sinh uống thêm men Biosutin 2 lần/1 ngày. Uống mỗi lần 2 – 4 giọt. Men có tác dụng giải quyết đầy bụng chướng hơi, giải quyết sữa thừa, sữa viêm…
Chăm sóc chó con mới đẻ không thể thiếu việc tiêm phòng đầy đủ
Trong quá trình chăm sóc, nuôi nấng chó con từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành thì việc tiêm phòng đầy đủ là điều thật sự cần thiết. Chó con có thể bắt đầu lịch tiêm phòng ngay từ khi được 6 tuần tuổi. Tiêm phòng đầy đủ giúp thú cưng tăng khả năng miễn dịch chống lại sự xâm nhập của bệnh, bảo vệ sức khỏe toàn diện cho bạn cún.
Sau hai tuần tuổi, bạn có thể sử dụng các sản phẩm chống giun cho chó con. Fenbendazole (Panacur) phù hợp cho chó từ 2 tuần tuổi trở lên. Panacur có dạng lỏng và được sử dụng bằng cách dùng ống tiêm bơm vào miệng chó sau khi bú sữa. Cho uống mỗi ngày 1 lần trong 3 ngày. Liều lượng uống là 2 ml mỗi ngày cho mỗi kilôgam cân nặng. Xem thêm: Kiến thức tẩy giun cho chó con từ A Đến Z
Giai đoạn sơ sinh của cún con cũng giống như những em bé mới lọt lòng mẹ. Cần được chở che, quan tâm, chăm sóc nhiều hơn bất cứ khi nào. Hy vọng những thông tin PetBoss đưa ra trên đây đã giúp chủ nuôi có thêm những kiến thức cần thiết trong việc chăm sóc chó con mới đẻ nhé.