Chắc hẳn ai đang nuôi thú cưng đều cảm thấy bối rối vì mỗi lần chó bị ốm, mệt mỏi, bỏ ăn. Dù là bị ốm thông thường hay có liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào thì cũng đều ảnh hưởng đến sức khoẻ, khả năng vận động của chú chó. Nếu để tình trạng ốm kéo dài có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn. Do đó chủ nuôi cần nắm vững những triệu chứng chó bị ốm để có cách điều trị, chăm sóc phù hợp.
7 dấu hiệu thường gặp giúp bạn nhận ra chó bị ốm
Chó bị ốm là việc thường gặp và không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, 1-2 ngày đầu bị ốm cơ thể của cún chưa có những biểu hiện cụ thể. Nếu chủ nuôi không quan sát kỹ thì có thể sẽ không nhận ra. Để đến lúc bệnh diễn biến nặng hơn thì việc điều trị và chăm sóc sẽ phức tạp hơn, cũng như hồi phục sẽ lâu hơn. Vì thế, bạn cần nắm rõ những dấu hiệu sau để nhận biết được chó cưng của mình đang có vấn đề về sức khỏe:
- Mắt chú chó đỏ lên: Với những chú cún khỏe mạnh đôi mắt sẽ trong và sáng, nhìn linh hoạt. Do đó khi quan sát thấy mắt của cún chuyển sang màu đỏ, kèm với vẻ lừ đừ, mệt mỏi thì chứng tỏ cún cưng đang bị sốt.
- Nhiệt độ cơ thể thay đổi: Chó có thể cảm thấy nóng hoặc lạnh bất thường, run rẩy, buồn bã thì chứng tỏ thú cưng của bạn đã bị ốm rồi đấy. Xem thêm các nguyên nhân chó bị run rẩy
- Thường xuyên nằm một chỗ và không tương tác xung quanh: Khi bị ốm, cơ thể bị sốt sẽ khiến chó con mệt mỏi, không muốn vận động và chỉ thích nằm một chỗ, ngủ nhiều hơn. Đọc thêm bài viết: Chó con ngủ nhiều có bị làm sao không?
- Chó chán ăn, bỏ ăn: Thông thường loài chó rất háu ăn, một khi lười ăn, bỏ ăn kể cả những món mà chúng hằng yêu thích thì có nghĩa chúng đang bị ốm.
- Co giật, quặp đuôi, đi đứng loạng choạng: Nếu chú cún có những biểu hiện này thì chắc chắn chúng đang bị ốm và tình trạng bệnh đã đến mức báo động rồi.
- Tai và mũi chó nóng lên: Nếu hai vùng này có nhiệt độ nóng hơn số với các bộ phận khác thì khả năng cao thú cưng của bạn đang ốm.
- Chó ho khạc liên tục: Khi cún con ho khạc liên tục là biểu hiện cho thấy chúng có thể bị nhiễm trùng hoặc mắc bệnh liên quan đến nội tạng, phổi.
- Chó nôn mửa: Nếu nôn mửa thỉnh thoảng mới xảy ra thì có thể do chúng bị đau bụng hoặc ăn phải thức ăn không phù hợp với hệ tiêu hoá. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì rất có khả năng chó yêu đang gặp vấn đề bất thường về sức khỏe.
Đâu là nguyên nhân khiến chó hay bị ốm?
Chó con bị ốm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì thế muốn chữa trị cho chú cún khỏi bệnh trước tiên cần phải xác định được chính xác bạn chó ốm thuộc những trường hợp nào dưới đây:
- Chó bị nhiễm giun sán: Chó bị ốm có thể do bị nhiễm giun sán từ chính thói quen ăn những đồ ăn bẩn, ôi thiu, đồ ăn chưa chín. Khiến vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm. Xem thêm: Kiến thức tẩy giun cho chó con từ A đến Z
- Chó mắc bệnh rối loạn tiêu hóa: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến cún cưng bị ốm. Rối loạn tiêu hoá phần lớn đó chế độ ăn chưa phù hợp, cho chó ăn quá nhiều, thức ăn bẩn, hay thức ăn không phúc hợp với hệ tiêu hoá của chú chó ở từng độ tuổi.
- Chó mắc bệnh care hoặc parvo: Đây là 2 căn bệnh nguy hiểm nhất ở chó, bất kỳ giống chó nào cũng đều có thể mắc bệnh. Bệnh diễn biến phức tạp và nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
- Cún cưng mắc phải các bệnh lý khác: Chó con bị ốm còn do mắc phải những căn bệnh khác liên quan đến đường ruột, gan, bệnh cushing,…
Phương pháp điều trị cho chó bị ốm như thế nào?
Như đã phân tích ở trên việc chó con bị ốm có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở từng trường hợp cụ thể để giúp cún cưng nhanh khỏi ốm sẽ có phương pháp điều trị thích hợp được bác sĩ chỉ định rõ ràng. Nhưng nhìn chung khi bé cún bị ốm bạn nên thực hiện các cách điều trị ngay tại nhà như:
Không cho ăn nếu chó bị nôn mửa hoặc tiêu chảy
Nếu chú chó có những dấu hiệu bạn đầu như nôn mửa hoặc tiêu chảy bạn nên ngừng cho cún ăn đến 24 giờ.
Cho chó con uống đủ nước
Khi chó bị ốm, sốt liên tục, nôn mửa, tiêu chảy rất dễ mất nước vì thế bạn cần cho chú cún uống nhiều nước để bổ sung đủ lượng nước bị tiêu hao. Nếu chó uống nước bị nôn thì cần liên hệ ngay với bác sĩ.
Cho ăn nhạt trong khoảng 1-2 ngày
Sau khi cho cún nhịn ăn và các biểu hiện nôn ói giảm dần bạn có thể cho chúng ăn trở lại nhưng nên ăn các loại thức ăn nhạt. Tốt nhất là cho ăn cơm trắng kèm với thịt gà hoặc thịt luộc (không dính da hoặc mỡ). Đến khi nào bạn cún khỏe lại bình thường thì mới cho ăn các loại đồ ăn khác.
Hạn chế vận động
Khi bị ốm cơ thể chú chó cảm thấy mệt mỏi vì thế bạn nên hạn chế cho chúng tham gia các hoạt động chạy nhảy, luyện tập ngoài trời. Tuy nhiên, nếu chó không quá mệt thì cũng nên cho bạn ấy đi dạo để tinh thần thoải mái hơn.
Theo dõi thường xuyên
Dù bạn cún bị ốm là do bệnh lý nào đi nữa thì chủ nuôi cũng cần quan tâm đặc biệt hơn. Thường xuyên theo dõi các triệu chứng bất thường và kiểm tra phân, nước tiểu của chó. Nếu cún con ngày càng mệt mỏi, lờ đờ, bỏ ăn và các dấu hiệu ngày một trầm trọng thì cần lập tức đưa bé cún đến bác sĩ thú y để được khám chữa kịp thời.
Cách chăm sóc cún cưng bị ốm đúng cách theo lời khuyên của chuyên gia
Bên cạnh việc điều trị thì yếu tố quyết định đến khả năng hồi phục sức khỏe của chó con tuỳ thuộc rất nhiều vào cách chăm sóc của bạn. Và theo lời khuyên của các chuyên gia khi chó con bị ốm bạn nên quan tâm đến những vấn đề sau:
- Không nên để cún con ở ngoài trời khi chúng có dấu hiệu bị ốm. Buổi tối nên cho bạn chó ở trong nhà để tiện theo dõi.
- Môi trường ở của chó cần vệ sinh sạch sẽ từ lều ngủ, dụng cụ ăn, đồ chơi của chó…
- Cho chó con ngủ ở nơi có không gian yên tĩnh, chỗ nằm ngủ thoải mái sẽ giúp chúng thấy dễ chịu, như vậy mới nhanh hồi phục sức khoẻ.
- Cách li chú chó con bị ốm với những chú chó khác đề phòng lây truyền bệnh.
- Cho chó ăn uống đầy đủ dưỡng chất. Các loại thức ăn cho cún con cần phải được nấu chín, hợp vệ sinh.
- Tuyệt đối không cho chó ăn các thức ăn giống của người, ví dụ như những sản phẩm có chứa Xylitol, chất này có trong các thực phẩm không đường và sản phẩm vệ sinh răng miệng. Tránh các loại đồ ăn gây hại khác như sôcôla, quả bơ, các đồ uống có cồn, nho, nho khô, tỏi…
- Không nên tự ý cho chó con uống thuốc trị bệnh dành cho người, trừ khi được bác sĩ chỉ định cụ thể.
- Khi chó con bị bệnh bạn nên dành nhiều thời gian để động viên, quan tâm bạn ấy nhiều hơn nhé.
Chó bị bệnh là điều chẳng thể nào tránh khỏi. Nhưng nếu bạn nắm được các dấu hiệu chó bị ốm, cách điều trị cũng như việc chăm sóc cún cưng bị bệnh ra sao sẽ giúp chú chó nhanh hết ốm và hồi phục lại sức khỏe như trước đây. Hi vọng Petboss đã mang đến những thông tin giá trị cho bạn. Chúc Sen và Boss luôn khỏe mạnh.