Bỡ ngỡ, sợ hãi chính là tâm trạng chung của tất cả chú chó khi mới bước về ngôi nhà mới và có vị chủ nuôi mới. Vậy làm thế nào giúp chó con nhanh làm quen với môi trường mới và huấn luyện ra sao để chúng trở nên ngoan ngoãn, nghe lời hơn. Hãy cùng Petboss tham khảo cách dạy chó con mới về nhà dưới đây nhé!
15 điều bạn cần làm khi dạy chó con mới về nhà
Những chú chó con khi mới về nhà sẽ tỏ ra hoang mang, lo lắng và thường rất rụt rè. Lúc này bạn cần yêu thương, chăm sóc chúng nhiều hơn để cún yêu cảm nhận được mình cũng là một thành viên trong gia đình. Đây sẽ là thời gian bạn nên học cách làm thân với chúng, tạo sự gần gũi, quen thuộc.
Đồng thời bạn cần có những phương pháp huấn luyện, dạy chó con mới về nhà tập dần với những thói quen tốt, thực hiện những mệnh lệnh cần thiết trong cuộc sống. Dưới đây là những điều mà bạn nên lưu tâm:
1. Giúp chó con thích nghi với môi trường mới
Đừng nóng vội bắt cún con phải thích nghi ngay với ngôi nhà mới. Để chó con trở thành một người bạn thân, một thành viên trong gia đình trước hết cần phải mang đến cảm giác an toàn cho chúng. Vỗ về, an ủi và cho chú cún làm quen với tất cả thành viên trong gia đình. Dẫn cún cưng đến từ vị trí trong căn nhà, nơi chúng sẽ ở.
2. Dạy chó con về tên của chúng
Bạn nên đặt cho chú cún một cái tên riêng và thường xuyên gọi nó với giọng điệu vui vẻ. Hãy gọi mỗi ngày, khi chó con nhận ra tên mình thì nên khen ngợi bằng cử chỉ âu yếm, hoặc một món quà nhỏ.
3. Huấn luyện chó con đi vệ sinh đúng chỗ
Thật thảm họa nếu như chú chó nhà bạn vệ sinh bừa bãi khắp cả nhà phải không nào? Chính vì vậy, việc huẩn luyện này là vô cùng cần thiết. Chúng tôi có viết 1 bài riêng về các cách huấn luyện này. Bạn có thể xem chi tiết vấn đề này tại: Tips 5 cách dạy chó con đi vệ sinh đúng chỗ
4. Dạy chó con không ăn bả (ăn đồ bậy dưới đất)
Việc hay ăn những thức ăn bẩn rơi rớt xuống đất là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý về tiêu hoá ở chó con. Ngoài ra, còn có thể trúng bả chó cực kỳ nguy hiểm.
Bạn có thể thực hiện huẩn luyện bằng cách sử dụng hai miếng thịt, tốt nhất là thịt chín. Một miếng bạn để bình thường, một miếng tẩm ướp thật nhiều bột ớt hoặc ngũ vị hương. Miếng thịt bình thường bạn bỏ vào khay đựng thức ăn của cún cưng. Còn miếng thịt tẩm ướp bạn bỏ xuống nền nhà. Chắc chắn chúng sẽ cảm thấy khó chịu khi ăn phải đồ ăn có nhiều gia vị. Tập dần từng ngày sẽ giúp chú chó nhận thức được chỉ nên ăn thức ăn trong khay.
Ngoài ra, còn một nội dung khác có thể bạn quan tâm đó là: Chó con ăn gì và chế độ ăn như thế nào cho tốt
5. Dạy chó con không cắn đồ đạc
Chú chó nào cũng thích khám phá mọi thứ xung quanh bằng việc cắn xé mọi thứ đồ đạc trong nhà. Bạn có thể chấm dứt thói quen này ở chú bằng việc mua cho chúng những thứ đồ chơi cho chó gặm. Từ đó bạn chó sẽ bỏ dần việc cắn xé những thứ khác. Petboss có viết một bài rất chi tiết về vấn đề này. Hãy cùng tham khảo: Chó bị ngứa răng – Nguyên nhân và cách xử lý
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Top 15 món đồ chơi cho chó được yêu thích nhất
6. Dạy chó con không bới tung đồ đạc
Các chú chó con vốn rất nghịch ngợm hay có thói bới tung đồ đạc trong nhà lên. Chỉ khi nào bạn dạy chúng đây là hành động sai trái thì cún cưng mới có thể chấm dứt.
Ngay từ lần đầu khi thấy chó con đang bới tung đồ hãy nói “ngừng lại” rồi làm cho chúng chú ý qua một thứ đồ chơi khác. Không nên quát mắng vì chẳng mang lại tác dụng gì mà chỉ khiến chú chó tỏ ra hoảng sợ thêm.
7. Huấn luyện chó con không chầu chực xin ăn
Để ngăn chặn hành động này ngay từ đầu bạn cần phải tập cho chó chỉ ăn đúng phần thức ăn trong khay của chúng. Đừng để thức ăn cho chó trên bàn ăn của bạn, cũng như đừng cho chúng những mẩu thức ăn, chúng cũng sẽ không học cách để xin. Bạn cần quy định một vị trí ăn nhất định dành riêng cho chó và không nên cho nó vào phòng khi bạn đang ăn.
8. Dạy chó con không lo lắng khi chủ rời đi
Chú chó của chúng ta thường tỏ ra lo sợ và bất an khi chủ của chúng đi ra ngoài. Vì thế bạn nên tạo dựng một niềm tin cho chúng rằng bạn sẽ trở lại. Ban đầu, để nó lại một mình chỉ trong vòng 5 – 10 phút và dần dần tăng thời gian lên.
Trong lúc đó, hãy đưa cho cún của bạn một món đồ chơi để gặm và bật radio hoặc tivi. Nhớ tỏ vẻ điềm tĩnh cả khi rời đi lẫn lúc trở lại.
9. Huấn luyện chó thôi rên rỉ
Khi chó rên rỉ bạn đừng nên nhìn hay tỏ ra quan tâm đến chúng. Nếu không chúng sẽ tự nghĩ rằng việc đó sẽ là cách khiến bạn để ý đến nó. Hãy đi chỗ khác cho đến khi chó con không còn có hành động rên rỉ vậy nữa.
10. Huấn luyện chó ngừng sủa
Một trong những việc cần làm cho những chú chó con và ngay cả chó trưởng thành là huấn luyện chúng ngừng sủa khi được ra lệnh. Trước hết, chọn ra một vị trí trong tầm nhìn của cánh cửa để dạy chúng nằm xuống và ở yên đó khi bạn nói: “Về chỗ đi nào”.
Nếu em cún hay sủa bậy hoặc sủa hóng linh tinh với những việc nhỏ nhặt thì bạn cần phải có cách giải pháp nghiêm khắc hơn. Một mẹo nhỏ trong cách huấn luyện chó ngừng sủa là dùng một chiếc ống bơ ném mạnh xuống đất về phía chó và quát “sai” hoặc “im” một cách dứt khoát.
11. Dạy chó con không chồm lên người
Đôi khi chỉ là vô tình vì tính ham chơi nhưng thói quen nhảy chồm lên người khác có thể khiến họ sợ hãi, thậm chí là bị thương. Vì thế, nhất định phải sửa chữa thói quen này. Bạn có thể quỳ xuống khi chơi đùa với chó nhỏ. Hoặc khi chúng đứng thẳng lên liền kéo chân sau của chúng.
12. Huấn luyện chó bớt hung dữ ở 1 số giống chó dữ
Nếu bạn đang nuôi một bạn chó có tính hung dữ, hay thuộc giống chó dữ chuyên đi săn mồi thì việc nuôi và huấn luyện bạn ấy cũng khá vất vả đấy. Lúc này bạn có thể nhờ đến những người đã có kinh nghiệm nuôi chó lâu năm hoặc là các huấn luyện viên chuyên dạy cho thú cưng.
13. Huấn luyện chó không cắn người
Hiện nay, rất nhiều gia đình có một chú chó để làm bạn. Nhưng đôi khi có thể do tinh thần bất ổn hoặc tâm lý quá sợ hãi một điều gì đó khiến chú chó có hành vi cắn người lạ, thậm chí là người quen thuộc với chúng. Vì thế, nếu không nghiêm khắc dạy dỗ, sẽ hình thành thói xấu là cắn người thường xuyên và sẽ ngày càng nguy hiểm hơn.
- Nếu chó cắn chủ thì phải kịp thời nghiêm khắc trách mắng chúng. Dùng một quyển tạp chí cuốn lại rồi đánh xuống sàn. Âm thanh phát ra sẽ dọa chúng sợ và không dám tái phạm thêm lần nào nữa.
- Khi chó có biểu hiện tâm lý thích cắn và sợ người lạ thì cách tốt nhất nên loại bỏ sự sợ hãi đó đi bằng việc cho cún con làm quen với nhiều người bạn của chủ nhân.
14. Huấn luyện dắt chó con đi dạo
Bạn không thể nào bắt chú cún ở trong nhà cả ngày phải không nào. Cho chó đi dạo, vận động sẽ giúp tâm lý chúng ổn định hơn và tập làm quen với nhiều người lạ. Nhưng không phải bạn cún nào cũng chịu đi dạo theo bạn đâu. Hãy kiên nhẫn tập từ từ cho chúng nhé.
Để chú cún ngoan ngoãn dạo bước bên bạn mà không có hành vi giật sợi dây, bạn cần phải tập cho chúng ngay từ đầu. Nên cho chú chó hiểu rằng nếu kéo sợi dây thì chúng sẽ bị phạt. Sợi dây giữ chó không nên quá dài hay bị thít quá chặt.
Trong lúc đi dạo thỉnh thoảng bạn hãy dừng lại để tập cho chúng thói quen đứng lại cùng bạn mà không giật dây để đi tiếp.
15. Dạy chó con ngủ đúng chỗ
Khi chó con mới về nhà mới chắc hẳn các chú cún của chúng ta còn hơi xa lạ với mọi thứ xung quanh, chưa thể vào đúng vị trí ngủ đã quy định. Hoặc thậm chí chó còn có tật ngủ lang. Bạn nên tập cho cún con ngủ đúng chỗ.
Bước đầu, ấn đầu và mình chó vào chỗ đã định, sau đó ra lệnh cho nó nằm xuống. Lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, chỉ sau một thời gian em cún nhà chúng ta sẽ ngoan ngoãn ngay thôi.
Xem thêm: Chó con ngủ nhiều có bị làm sao không?
Các nguyên tắc khi dạy chó con
Việc dạy chó con mới về nhà không phải là việc ngẫu hứng mà bạn cần có những nguyên tắc, quy luật rõ ràng để cún cưng trở nên vâng lời, nhưng đồng thời không khiến chúng bị mặc cảm sợ hãi, lo lắng.
1. Dạy chó con bằng cách kỷ luật đúng cách
Một nguyên tắc quan trọng khi nuôi dạy chó con mới về nhà chính là khi chúng làm sai và bị bắt tại trận thì nên phạt ngay lúc ấy. Đừng bao giờ phạt sau cũng như nhắc lại những lỗi sai mà chúng đã làm từ lâu. Chúng sẽ chẳng hiểu gì đâu.
Việc kỷ luật nên được tiến hành từ nhẹ đến nặng tuỳ theo mức độ của hành vi. Các mức phạt sẽ tùy theo người chủ quyết định và tùy giống chó. Giống như nuôi một em bé nhỏ, với một chú cún có cá tính mạnh, lì lợm thì cần cương quyết. Còn với em cún hiền lành, nhút nhát thì nên nhẹ nhàng. Nhưng cần chú ý hình phạt không nên quá nặng nề, gây đau đớn, ám ảnh cho chú chó của bạn nhé.
2. Công bằng khi áp dụng kỷ luật
Việc chỉ dạy không hề dễ dàng chút nào. Nếu huấn luyện sai cách sẽ dẫn đến những thói quen xấu, cũng như hình thành tính bướng bỉnh ở chó. Vì thế, khi áp dụng kỷ luật bạn cũng nên xem xét sao cho công bằng nhất. Không phải cứ chó con là được ưu tiên mọi thứ đâu nhé.
Bạn chỉ nên trừng phạt khi biết chắc chắn chú cún đang cố tình làm sai đi ý của bạn. Nếu kỷ luật khi chúng chỉ vô tình, hay khi chưa biết cách thực hiện chỉ khiển mối quan hệ giữa bạn và em cún xa rời mà thôi. Tương tự như khi khen thưởng, hãy làm sao để chó “tuân lệnh của bạn” chứ không phải bị khuất phục bởi đòn roi.
3. Dùng giọng để dạy chó con
Tâm lý của các chú chó rất mỏng manh, cũng dễ bị xúc động khi biết mình đang bị la mắng. Vì thế, thay vì những lời nói, giọng điệu quá khắt khe khi chúng phạm lỗi nhỏ thì bạn nên kiên nhẫn, dùng giọng nói nhẹ nhàng, âm vực vừa phải để chỉ bảo em cún. Nếu chó vâng lời hãy khen thưởng bạn cún ấy ngay nhé.
Mặt khác, trong những trường hợp chó mắc lỗi lớn thì lúc này bạn cần phải sử dụng giọng điệu nghiêm khắc, dứt khoát hơn, âm lượng lớn để chú chó nhận ra nếu làm sai sẽ bị trừng phạt.
4. Thống nhất phương thức kỷ luật/ khen thưởng
Khi chó mắc một lỗi sai và tái diễn nhiều lần bạn cần phải thống nhất phương thức hình phạt, không phải lúc nặng lúc nhẹ. Khẩu lệnh và giọng điệu cũng phải được phát ra một cách nhất quán, đúng chỗ.
Lưu ý: Nếu bạn muốn chó chạy lại khi bạn gọi tên thì tuyệt đối không được dùng tên để mắng nó.
5. Sử dụng clicker khi huấn luyện
Clicker là đồ dùng huấn luyện chó được sử dụng như chiếc công tắc mà khi bấm vào đó sẽ phát ra âm thanh Click, hiện nay nhiều chủ nuôi đã lựa chọn click như một phương tiện huấn luyện những bài tập, thói quen cho chú cún ngay từ khi mới 2 tháng tuổi.
6. Không nên quở trách khi chó con đi vệ sinh sai chỗ
Việc huấn luyện cho cần sự kiên nhẫn và thời gian. Dù là huấn luyện giống chó loài đi chăng nữa cần phải cho chúng có thời gian để thích ứng dần. Nếu cún con có lỡ đi vệ sinh sai chỗ thì đừng vì vậy mà la mắng, phạt nặng sẽ chỉ khiến bạn chó kinh hãi hơn, thậm chí còn tạo nên tính hung dữ cắn trả lại chủ nhân.
Những chú chó con khi về sống ở môi trường mới tựa như một trang giấy trắng, chỉ cần bạn yêu thương, kiên nhẫn, huấn luyện chó đúng cách thì chắc chắn sẽ trở nên đáng yêu hơn rất nhiều.