Tiêm phòng cho chó là một trong những giải pháp bảo vệ sức khỏe cún cưng an toàn và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, liệu bạn đã hiểu rõ việc tiêm phòng cho chó chưa? Lịch tiêm như thế nào là phù hợp và cách tiêm phòng ra sao để đảm bảo an toàn. Hãy cùng Petboss làm rõ hơn về các vấn đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Những quy định về luật tiêm phòng cho chó
Việc tiêm phòng cho thú cưng hiện nay không chỉ là vấn đề cần thiết mà đã trở thành việc bắt buộc đối với tất cả các chủ nuôi. Vì theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi về việc tiêm vaccine (vacxin) cho chó, bổ sung một số điều cho Nghị định 41/2017/NĐ-CP, chủ vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng với các vi phạm sau:
- Không chấp hành việc lên lịch tiêm phòng chích ngừa cho chó gồm tiêm vắc xin, tiêm Dại.
- Vứt chó mèo mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường.
- Sử dụng thuốc thú y không có trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật.
Như vậy, theo luật tiêm phòng cho chó thì dù bạn nhận nuôi bất kỳ giống chó nào đều cần phải thực hiện nghiêm việc tiêm phòng đúng kích, đúng độ tuổi cho các bạn chó cưng.
Những quan niệm sai lầm về tiêm phòng cho chó
Tiêm phòng cho chó là một việc làm bắt buộc đối với những ai muốn nuôi thú cưng. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều quan niệm chưa đúng về vấn đề này. Cụ thể như:
Chó ở nhà không cần chích ngừa
Bạn đừng nghĩ rằng chó cưng của mình luôn ở trong nhà và được chăm sóc kỹ lưỡng thì hoàn toàn không bị mắc bệnh gì hết. Vì mặc dù chó không ra ngoài nhưng hằng ngày vẫn tiếp xúc với chủ nuôi và các thành viên trong gia đình. Đôi khi chính bạn lại là nguồn lây bệnh cho các chú cún con. Do đó, dù chó yêu được nuôi trong nhà thì cũng cần được tiêm phòng vacxin đầy đủ.
Chỉ cần tiêm phòng vacxin cho chó là an toàn
Những chú chó có thể mắc hàng trăm loại bệnh khác nhau và việc tiêm phòng chỉ là hạn chế, ngăn chặn một số trong đó. Khá nhiều trường hợp sau khi tiêm phòng vẫn mắc bệnh như thường. Chính vì vậy, chủ nuôi không nên chủ quan trong việc chăm sóc cún cưng nhà mình. Bạn cần thường xuyên quan sát và theo dõi sức khỏe của cún con.
Đồng thời phải biết tiêm phòng những loại vắc xin nào là cần thiết cho chó. Bạn cũng có thể tự tiêm vaccine cho chó nhưng phải biết cách để tránh những phản ứng thuốc ngoài mong muốn. Tất cả đều tương đối và không có gì là an toàn 100% cả.
Chỉ cần tiêm phòng 1 lần là đủ
Bạn cần biết rằng việc tiêm vacxin không mang lại hiệu quả ngừa bệnh vĩnh viễn. Có loại hiệu quả vài năm, nhưng có loại chỉ một năm. Vì thế, bạn đừng nghĩ chỉ cần cho bạn cún tiêm phòng 1 lần là xong đâu nhé. Việc tiêm vacxin phòng bệnh muốn có hiệu quả tối ưu cần phải tiêm đủ liều, tiêm đúng vào thời điểm, thời gian cụ thể. Mỗi năm cần cho chó đi tiêm phòng nhắc lại. Hơn nữa tiêm phòng hàng năm nên sớm hơn năm trước khoảng thời gian khoảng nửa tháng.
Tại sao cần tiêm phòng cho chó?
Đừng nghĩ rằng các loại thú nuôi khó bị nhiễm bệnh nhé. Vì trên thực tế cũng như con người, những chú chó con có nguy cơ mắc rất nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hơn thế, có một số căn bệnh có thể lây từ động vật sang người. Việc tiêm phòng cho chó được ví giống như một lớp áo khoác ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh, virus tấn công vào cơ thể.
Vì thành phần của các loại vacxin hiện nay bao gồm vi khuẩn hoặc virus đã bị giảm độc lực. Hoặc một protein đặc hiệu có tính kháng nguyên. Khi tiêm vacxin vào cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ được kích thích tạo ra các kháng thể để chuẩn bị cho việc chống lại sự xâm nhiễm của mầm bệnh sau này.
Việc tiêm vaccine còn làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tăng sức đề kháng, có khả năng miễn dịch với các vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm. Đa phần các căn bệnh mà chó thường hay mắc phải đều chưa có thuốc đặc trị hiệu quả, nên khả năng dẫn tới tử vong khá cao. Do đó, tiêm phòng cho cún cưng là điều cần thiết để hạn chế những căn bệnh nguy hiểm dưới đây:
Phòng Bệnh care
Bệnh care là một căn bệnh thường gặp ở bất kỳ giống chó nào. Hơn hết đây cũng là một trong những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, diễn biến bệnh phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chú chó, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Bệnh là do virut gây ra và hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị hiệu quả. Vì thế, giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh này là tiêm phòng theo đúng thời điểm được bác sỹ chỉ định. Và nhớ rằng khi cún cưng của bạn đã mắc bệnh này thì không thể nào lên lịch để tiêm vaccin ngừa bệnh care được nữa.
Phòng bệnh Parvo
Bệnh Parvo ở chó được lây truyền thông qua phân, thức ăn, nước uống hay vật dụng của chó nhiễm bệnh. Khi chó bị bệnh Parvo nguy cơ tử vong khá cao nếu không chữa trị kịp thời và đúng cách. Và theo thống kê tỷ lệ chó mắc phải căn bệnh này khá cao. Nhưng điều quan trọng là vẫn chưa có thuốc để chữa trị dứt điểm.
Do đó, cần phải tiêm phòng cho chó khi đến tuổi càng sớm càng tốt. Không nên đợi đến lúc cún cưng có triệu chứng thì mới tiêm chính là cách tốt nhất để bảo vệ chó con hạn chế mắc căn bệnh này.
Phòng bệnh viêm gan
Chó con khi mắc bệnh viêm gan thường có các biểu hiện như biếng ăn, mệt mỏi, sốt, lười vận động, mắt đỏ, tế bào bạch cầu thấp. Khi bệnh bước qua giai đoạn nặng sẽ có những triệu chứng bất thường như đông máu, bụng phình to, nguy cơ cao hơn là tử vong.
Hiện tại, bệnh viêm gan ở thú cưng vẫn chưa có thuốc đặc trị. Nếu được chữa khỏi bệnh thì vẫn còn để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: sưng mắt ở chó, chó bị đục thủy tinh thể, chó bị viêm giác mạc , còn gọi là “Blue eye”.
Phòng bệnh cúm và viêm khí quản
Đây là một trong những căn bệnh dễ lây lan và hầu hết các loài chó đều có nguy cơ mắc phải. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, khi chó nhiễm bệnh thường có các triệu chứng như cảm cúm, ho, hắt hơi, có nước mũi màu trong, khó thở, nhiệt độ cao.
Nếu không được chữa trị dứt điểm bệnh sẽ trở thành mãn tính. Khi đó sẽ có các biến chứng nghiêm trọng hơn như nhiễm trùng khiến chó bị viêm phế quản, viêm phổi. Một số con xuất hiện các triệu chứng co giật và tử vong. Chính vì vậy, việc tiêm phòng sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch cho cún yêu chống lại sự xâm nhập của các mầm bệnh này.
Phòng bệnh Lepto
Đây là một căn bệnh nguy hiểm, chú chó có thể bị nhiễm bệnh từ nhiều con đường khác nhau thông qua vết thương hở trên da hay uống phải nước có mầm bệnh. Và điều cực kỳ quan trọng là bệnh này có thể lây sang người khi bạn tiếp xúc với chú chó bị nhiễm bệnh.
Triệu chúng của bệnh Lepto ở chó có thể bị nhầm lẫn qua một số căn bệnh khác. Nên đến giai đoạn nặng, bệnh sẽ diễn biến nghiêm trọng và khó có cách chữa trị hiệu quả. Nhiều trường hợp chó đã điều trị khỏi nhưng vẫn có thể truyền bệnh thông qua nước tiểu.
Xem thêm: 7 loại bệnh thường gặp nhất ở chó con
Tại sao nên chích ngừa cho chó đúng ngày?
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia việc tiêm phòng cho chó con bắt đầu khi bạn cún được 6 tuần tuổi. Những mũi tiêm phòng các bệnh khác nhau sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể theo từng tháng tuổi. Tuy các loại chó như Poodle, Phốc, Pug, Becgie, Corgi, Alaska, Samoyed… có sự khác nhau về giống, kích thước nhưng nhìn chung đều có lịch tiêm phòng giống nhau.
Bạn cần biết rằng việc tiêm phòng cho cún yêu đúng ngày là điều vô cùng quan trọng. Không phải thời điểm nào cũng có thể tiêm một cách bừa bãi. Vì nếu bị sai lệch sẽ dẫn tới những rủi ro không đáng có. Thuốc sẽ không còn hiệu quả và tác dụng như ban đầu nữa. Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng vẫn có thể xâm nhập và gây hại cho chú chó của chúng ta.
Theo quy định chung, chó con sẽ được tiêm 4 mũi tiêm và được nhắc lại qua từng độ tuổi. Cần lưu ý lịch tiêm phòng cho chó không được tiêm sớm hơn 3 tuần và muộn quá 4 tuần kể từ khi tiêm mũi 1. Tốt nhất nên hoàn thành tiêm phòng 3 mũi trước khi chó con được 1 tuổi để mang lại hiệu quả bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh tốt nhất cho bạn cún. Chính vì vậy, việc theo dõi lịch tiêm cho cún theo đúng ngày là điều thật sự cần thiết.
Lịch tiêm phòng cho chó con một cách chuẩn nhất
Như đã phân tích ở trên việc tiêm phòng cho cún con cần được chủ nuôi thực hiện theo đúng ngày, đúng độ tuổi thì mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Do đó nếu bạn mới lần đầu nuôi thú cưng thì nên tìm hiểu kỹ về lịch tiêm phòng cho chó con. Hãy xem cún con nhà mình thuộc trường hợp nào dưới đây để có được lịch tiêm phòng chuẩn nhất nhé!
Lịch tiêm phòng cho chó con sinh tại nhà
- Mũi tiêm thứ nhất: Thời gian 6 – 8 tuần tuổi, tiêm sau khi chó con dứt sữa mẹ. Cún cưng sẽ được tiêm những mũi như:
- Mũi 2 bệnh: Sớm nhất là khi bạn cún được 35 ngày tuổi.
- Mũi 5 bệnh: Phòng bệnh Care virus, Pravo virus, Viêm gan truyền nhiễm, Ho cũi chó, Phổi cúm sẽ được tiên khi chó 45 ngày tuổi.
- Mũi tiêm thứ hai: Cách mũi tiêm đầu tiên 21 ngày. Lúc này chó con sẽ được tiêm mũi 7 bệnh tương tự như mũi 5 bệnh, bổ sung thêm Lepto, Corona
- Mũi tiêm thứ ba: Cách mũi thứ 2 cũng 21 ngày với mũi 7 bệnh.
- Cún 3 tháng trở lên, cho chúng tiêm vacxin phòng bệnh dại, mỗi năm 1 lần.
Lịch tiêm phòng cho chó con mua ở nơi khác
Tốt nhất bạn nên mua hoặc nhận nuôi những chú chó từ 2,5 tháng tuổi trở lên, có sổ khám chữa bệnh và đã tiêm vacxin. Lịch tiêm với chó mua về thường là:
- Nếu trường hợp chưa rõ ràng thì tiêm lại theo liệu trình chó sơ sinh ở trên nhé!
- Nếu đã tiêm 2 mũi có thể tiêm thêm mũi thứ 3.
- Với chó truởng thành mới mua về cũng nên tiêm phòng.
- Tiêm nhắc lại định kỳ 1 năm 1 lần.
- Khi chó được khoảng 7- 8 tháng tuổi thì tiêm phòng bệnh dại cho chó và tiêm nhắc lại định kỳ 1 năm 1 lần.
Xem thêm: Bệnh dại ở chó và những kiến thức cần biết
Các loại vacxin cho chó bạn nên biết
Chó con của chúng ra hằng ngày phải đối mặt với khá nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh từ môi trường sống, thực phẩm không đảm bảo hoặc từ các con vật nhiễm bệnh khác. Chính vì vậy mà hiện nay, các nhà nghiên cứu vacxin cho thú nuôi đang dần phát triển và cải tiến ra nhiều loại vacxin tổng hợp có khả năng ngăn ngừa nhiều loại bệnh. Điển hình nhất là các loại vacxin sau:
- Vaccine 2in1 (Vacxin 2 bệnh): Tiêm phòng 2 bệnh nguy hiểm nhất là Care virut và Parvo virut.
- Vaccine Vanguard Hãng Zoetis của Mỹ (Vacxin 5 bệnh): Tiêm phòng 5 loại virut gây bệnh: Bệnh Parvo virut (Canine Parvovirus). Bệnh Care virut (Canine Distemper virus). Bệnh viên hô hấp (Canine Adenovirus type 2). Bệnh Viêm gan (Canine Adenovirus type 1). Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (Canine Parainfluenza virus).
- Vacxin 7in1 Recombitek của Merial (Vacxin 7 bệnh): Đây là loại vacxin giúp phòng ngừa 7 loại virut gây bệnh: Bệnh Parvo virut (Canine Parvovirus). Bệnh Care virut (Canine Distemper virus). Bệnh trên hô hấp (Canine Adenovirus type 2). Bệnh Viêm gan (Canine Adenovirus type 1). Bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (Canine Parainfluenza virus). Bệnh xoắn khuẩn gây tổn thương đa phủ tạng chủng canicola (Leptospira canicola). Bệnh xoắn khuẩn gây tổn thương đa phủ tạng chủng icterohaemorrhagiae (Leptospira icterohaemorrhagiae).
Trên đây chỉ là một số loại tham khảo cho bạn, ở mỗi địa chỉ tiêm phòng có thể sử dụng những loại vaccine khác. Vì vậy, hãy nhờ tư vấn của bác sĩ thú y để hiểu rõ hơn và lựa chọn loại phù hợp với cún cưng nhà mình nhé.
Các trường hợp không được tiêm phòng cho chó
Có thể nhận thấy việc tiêm phòng cho chó con là điều thực sự cần thiết để bảo vệ sức khỏe, ngăn nguy cơ nhiễm bệnh cho các bạn cún cưng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chú chó của chúng ta không nên hoặc lùi lại ngày tiêm phòng như:
Chó đang mang thai và chó con mới sinh
Những chú chó đang mang thai hơn một tháng và chó cái sắp sinh không nên tiêm phòng. Đặc biệt là tiêm vacxin 7 bệnh có thể gây sốc và chèn ép chó con trong bụng, gây sảy thai, thai chết lưu, chết trong bụng. Những chú chó con đang bú sữa mẹ thì đề kháng chính được cung cấp từ sữa mẹ. Cơ thể chó con cũng chưa ổn định và phát triển, nếu tiêm phòng cho cún con trước 1 tháng tuổi sẽ dẫn tới tình trạng sốc thuốc và nhiều rủi ro khác.
Chó mẹ sau khi sinh nửa tháng
Chó mẹ sau sinh hoặc đang trong thời kỳ cho con bú, việc tiêm chủng có thể gây sốt và đau viêm cục bộ, ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Do đó việc cho chó mẹ tiêm phòng vào thời điểm này là chưa thật sự phù hợp. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trong từng trường hợp cụ thể nhé.
Chó con đang bị bệnh
Nếu chú chó của bạn đang trong thời kỳ phát bệnh sẽ giảm khả năng kháng bệnh. Khi tiến hành tiêm phòng cho chó con sẽ khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn. Thậm chí dẫn đến thời gian phát bệnh nhanh hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, trong trường hợp chú cún có vết thương hở cũng tương tự, hãy chữa lành vết thương cho chó con trước. Tiêm phòng có thể khiến vết thương có khả năng bị nhiễm trùng cao.
Những điều cần làm trước khi đi tiêm phòng cho chó
Để việc tiêm phòng cho cún yêu của chúng ta đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro không đáng có thì chủ nuôi cần thực hiện những việc sau:
- Nắm rõ lịch tiêm phòng cho chó con: Trước khi có ý định tiêm phòng cho bạn cún, chủ nuôi nên biết rõ về lịch trình tiêm, thời điểm, độ tuổi phù hợp cho từng mũi tiêm của chú chó.
- Chọn lựa địa chỉ tiêm phòng uy tín, an toàn: Đây là một việc cực kỳ quan trọng, khi chọn được trung tâm tiêm phòng thú y uy tín, chuẩn chất lượng, bác sĩ có chuyên môn vững vàng thì quá trình tiêm phòng cho cún sẽ đảm bảo an toàn cao nhất. Đồng thời tránh các rủi ro, biến chứng không cần thiết.
- Tìm mua loại vacxin chuẩn chất lượng: Nếu vì điều kiện bạn không thể dẫn chú chó đến trung tâm tiêm chủng mà thực hiện việc tiêm phòng cho chó tại nhà thì chủ nuôi nên mua vacxin cho chó ở địa chỉ uy tín. Tham khảo kinh nghiệm về kỹ thuật tiêm phòng cho chó từ bác sĩ thú y.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của cún: Trước khi đến lịch tiêm phòng ở từng tháng tuổi bạn nên theo dõi sức khỏe của chú chó. Quan sát xem cún cưng có đang bị bệnh hay những dấu hiệu bất thường nào không để kịp thời thông báo cho bác sĩ biết nhé.
Tiêm phòng cho chó tại nhà bạn cần đảm bảo những điều gì?
Thông thường việc tiêm phòng cho chó con bạn có thể lựa chọn tiêm tại trung tâm tiêm chủng thú y hoặc thực hiện tiêm cho chó ngay tại nhà. Nếu chủ nuôi chọn cách thứ hai thì cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết nhất. Cụ thể là:
Tiêm cho chó ở vi trí nào?
Thứ nhất, tiêm cho chó ở dưới da
Đây là vị trí tiêm dễ dàng nhất nên bạn có thể thực hiện tại nhà. Để tiêm dưới da cho chó ta nên kéo lớp da bên hông hoặc vị trí sống lưng và đâm kim vào và chỉ cần lỗ hở của kim xuyên qua lớp da là được. Sau khi tiêm, chúng ta vỗ vỗ nhẹ xung quanh vết thương để thuốc được tan ra dễ dàng hơn.
Thứ hai, tiêm cho chó ở bắp chân
Mũi tiêm này khá khó và cần thực hiện chuẩn xác. Nếu bạn không thật sự biết cách thì hãy mang chó đi bệnh viện thú ý để được hỗ trợ tiêm nhé.
Thứ ba, tiêm cho chó ở ven
Đường tiêm này cũng khó không kém khi tiêm ở bắp cho chó vì cần xác định được tĩnh mạch rồi mới tiến hành lấy ven. Nếu chủ nuôi chưa có kinh nghiệm thì tốt hơn hết nên mang chú chó đến trung tâm thú y uy tín để tiêm phòng đúng cách và an toàn nhất nhé.
Tiêm phòng cho chó không phải là điều đơn giản và có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Chính vì vậy, PetBoss không khuyến khích các Sen tự thực hiện điều này tại nhà. Nếu không phải tình thế bắt buộc, hãy đem chó đến các trung tâm y tế, thú y để các bác sĩ hỗ trợ nhé.
Những lưu ý khi tiêm phòng cho chó ở nhà
Trong một số trường hợp vì điều kiện kinh tế, hoặc đó một vấn đề nào đó bạn không thể đưa bé cún đến tiêm phòng tại các trung tâm mà thực hiện tiêm phòng tại nhà. Để đảm bảo an toàn cả trong và sau khi tiêm chủ nuôi cần lưu ý đến những điều sau:
- Tuyệt đối không thực hiện tiêm vắc xin khi chó đang bị ốm, suy giảm miễn dịch, nôn mửa, tiêu chảy hay bất kỳ dấu hiệu bệnh lý nào khác.
- Cẩn thận kiểm tra thân nhiệt và tình trạng sức khỏe của chó trước khi quyết định tiêm.
- Nếu tự tiêm cho cún ở nhà cần đảm bảo mua vắc xin của cơ sở được cấp phép để chắc chắn mua được loại vắc xin tốt, được bảo quản đúng cách. Khử trùng tất cả các dụng cụ, thực hiện tiêm đúng quy trình.
- Đặc biệt không được tiêm vắc xin vào tĩnh mạch.
- Sau khi tiêm cần theo dõi, chăm sóc kỹ hơn trong vòng 1 tuần. Kiêng tắm cho chó, kiêng các loại thức ăn có nhiều mỡ, sữa, đồ sống.
Mong rằng với những thông tin trên có thể giúp chủ nuôi thú cưng có thêm kinh nghiệm về vấn đề tiêm phòng cho chó con, cùng bảo vệ chú cún mạnh khỏe nhé.